VietstockVietstock

NHNN tiếp tục bơm ròng

Tuần qua (11-18/11/2024), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục đẩy mạnh kênh mua kỳ hạn trên thị trường mở (OMO). Đây là tuần thứ 3 liên tiếp, nhà điều hành thực hiện bơm ròng, hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống.

Diễn biến bơm hút ròng nghiệp vụ OMO theo ngày từ tháng 8-11/2024. Đvt: Tỷ đồng

Nguồn: VietstockFinance

Cụ thể, trong thời gian từ 11-18/11, NHNN đã cho các ngân hàng thương mại (NHTM) vay 115,000 tỷ đồng qua kênh mua kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 4%/năm.

Bên cạnh đó, NHNN vẫn đều đặn gọi thầu trên kênh tín phiếu nhưng khối lượng hạn chế (2,950 tỷ đồng), kỳ hạn 28 ngày và lãi suất trúng thầu đạt 3.9-4%/năm.

Cũng trong thời gian này, khoản vay kênh cầm cố trong tuần trước (04-11/11) đáo hạn, hút khỏi thị trường 105,000 tỷ đồng thanh khoản. Dù vậy, điểm tích cực là thanh khoản hệ thống tuần qua vẫn được hỗ trợ phần nào nhờ 41,250 tỷ đồng tín phiếu phát hành trước đó (18/10-31/10) đáo hạn.

Như vậy, NHNN đã bơm ròng 48,300 tỷ đồng thanh khoản cho hệ thống thông qua kênh thị trường mở. Trong đó, có 100,000 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố và 38,350 tỷ đồng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.

Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm từ tháng 8-11/2024. Đvt: %/năm

Nguồn: VietstockFinance

Theo SSI Research, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm bật tăng trong tuần qua và chốt tuần 15/11 ở mức 5.8%, tăng 130 điểm cơ bản so với tuần trước đó - phản ánh thanh khoản gặp nhiều khó khăn. Chênh lệch lãi suất VND và USD kỳ hạn qua đêm đã chuyển sang trạng thái dương. Bên cạnh có tới 90 nghìn tỷ đồng đáo hạn trên kênh mua kỳ hạn, cuối năm cũng là thời điểm thanh khoản biến động mạnh do nhiều yếu tố kết hợp như giải ngân tín dụng, đầu tư công tăng mạnh,... Trong trường hợp thanh khoản vẫn chưa cải thiện trong tuần này, NHNN có thể xem xét tăng kỳ hạn nếu cần thiết.

Cũng theo SSI Research, tâm điểm thị trường tập trung vào các số liệu kinh tế Mỹ và bài phát biểu của Chủ tịch Fed. Qua đó, chỉ số DXY tăng tới 1.3% trong tuần qua và các đồng tiền chủ chốt khác đều giảm giá so với USD như EUR (-1.5%), GBP (-1.3%) và JPY (-0.5%). Các đồng tiền trong khu vực châu Á có mức độ giảm phân hóa, trong khi THB (-1.5%), MYR (-0.99%) và TWD (-0.8%) giảm mạnh, các đồng tiền khác có mức độ giảm từ 0.2-0.5%.

Ở trong nước, trái ngược với diễn biến thế giới, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng giảm nhẹ 0.12% về mức 25,380, trong khi tỷ giá tự do giao dịch ở mức 25,700 - thấp hơn mức đỉnh khoảng 300 đồng và tỷ giá niêm yết tại các NHTM giao dịch ở mức trần biên độ cho phép.

SSI Research giữ quan điểm cho rằng áp lực lên tỷ giá trong ngắn hạn là có, tuy nhiên, về cuối năm, các dòng vốn FDI giải ngân và kiều hối thường tích cực hơn sẽ là yếu tố hỗ trợ tỷ giá.

Khang Di

FILI


Больше новостей от Vietstock

Больше новостей